Thời gian qua các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản ở địa phương. Đặc biệt là những hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất sản phẩm OCOP.
Anh Nguyễn Văn Nam ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn đấu thầu 5 ha đất để xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ. Trong đó anh xây lắp 0,4 ha nhà lưới dành cho dưa vàng và dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu đạt khoảng hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 7 – 12 người, mức lương dao động từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Để xây dựng dưa lưới và dưa vàng đạt tiêu chuẩn OCOP anh đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, đồng thời ứng dụng công nghệ vi sinh, dùng phân bò hoai mục phối trộn với một số loại phân NPK có thành phần Oganic để bón cho dưa.
Không dừng lại ở đó, anh Nam tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng Website nhằm mở rộng kênh truyền thông, quảng bá sản phẩm… Tháng 10-2020, sản phẩm dưa vàng Vạn Hoa và dưa lưới Vạn Hoa lọt qua nhiều vòng thẩm định đã được Hội đồng OCOP cấp tỉnh chấm điểm công nhận đạt OCOP 4 sao.
Anh Nguyễn Văn Nam cho biết: “Do thực hiện đúng quy trình, sản phẩm dưa vàng và dưa lưới sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao nên đã được chọn góp mặt tại Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020 và Hội chợ nông nghiệp quốc tế AgroViet tại Hà Nội”.
Vốn có lợi thế phát triển kinh tế đồi, vườn, rừng đan xen nông lâm nghiệp, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn được biết đến với những đồi chè bát ngát, rừng keo, rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả, cây dược liệu… nên 4 mùa có hoa trái.
Xã Bình Sơn xác định mũi nhọn là nâng cao sản phẩm chè, tổ chức chế biến chuyên sâu, tập trung sản xuất trang trại, gia trại và tăng đàn ong mật. Năm 2019 sản phẩm chè Bình Sơn và mật ong hoa rừng nguyên chất được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao.
Từ khi trở thành sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng nhiều, giá chè cao hơn. Hàng năm Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đưa ra thị trường khoảng 45 tấn chè khô, thu lãi hơn 100 triệu đồng, giúp nhiều hộ đã cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, tham gia OCOP, Hợp tác xã còn đứng ra liên kết gần 400 hộ tham gia nuôi ong. Thay vì tập quán nuôi thủ công, tự phát như trước, để tạo sự khác biệt về chất lượng, mật ở đây phải trên dưới 1 tháng mới được quay 1 lần để đủ thời gian lên men tự nhiên của phấn hoa, bảo đảm độ đặc và có màu cánh gián.
Từ một xã kinh tế còn nhiều khó khăn, nhờ có cây chè đã giúp nhiều hộ dân nơi đây có thu nhập ổn định. Việc thay đổi tư duy hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn là hướng đi đã và đang đem đến nhiều lợi ích cho bà con nông dân xã Bình Sơn.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, trong những năm qua, HND các cấp trong tỉnh đã có nhiều biện pháp, phương thức đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên, nông dân, thông qua sinh hoạt chi hội, hội nghị, hội thảo, tập huấn, các kênh thông tin truyền thông từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình.
Cùng với công tác tuyên truyền, Hội các cấp đã tích cực vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP, năm 2021 các cấp Hội đã tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; Khai thác các nguồn lực giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu của thị trường; Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Lương Hà (HND tỉnh)