Các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nga Sơn hiện nay đang duy trì sản xuất ổn định, nhiều sản phẩm đang có chiều hướng phát triển tích cực sau khi đạt chứng nhận OCOP.
Huyện Nga Sơn là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cao nhất tỉnh Thanh Hoá, hiện có 24 sản phẩm đã được công nhận OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện tập chung chủ yếu vào các nhóm hàng hoá như: thực phẩm rau, củ, quả sạch, rượu gạo, hàng tiêu thủ công nghiệp chiếu cói, sản phẩm mỹ nghệ từ cói…
Theo đó, những sản phẩm được chứng nhận OCOP từ nhóm hàng tiêu thủ công nghiệp chiếu cói, hàng mỹ nghệ từ cói hầu hết đang xuất khẩu tại nhiều Quốc gia trên Thế giới, các sản phẩm này được tiêu thụ rất tốt. Trong đó phải kế đến các sản phẩm như: Giỏ trái đất, Đôn cói Việt Trang của (Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang); Bộ rổ cói 3 chiếc, Bình hoa bằng cói, Khay đựng rau, quả Việt Anh, Đĩa đựng rau Salad Việt Anh, Đĩa cói trang trí Việt Anh được sản xuất tại (Công ty Cổ phần sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh); những sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.
Bên cạnh đó, nhóm hàng sản xuất, chế biến từ nông nghiệp… cũng đang là thế mạnh của huyện, các sản phẩm được sản xuất từ nhóm hàng này đang phát triển mạnh mẽ, hiện nay đã có mặt hầu hết trên sản thương mại điện tử, các hội chợ trong, ngoài tỉnh, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm của huyện, tỉnh…
Theo ghi nhận, một số đơn vị trực tiếp sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nga Sơn, hầu hết các đơn vị duy trì sản xuất ổn định kịp thời cung ứng được sản phẩm ra thị trường, mặt hàng sản xuất đa dạng, thời gian tới nhiều cơ sở tiếp tục làm hồ sơ cho những sản phẩm có tiềm năng để đưa vào đánh giá sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Đơn cử như: Nông trại sản xuất nông nghiệp Vạn Hoa (Công ty Cp nông nghiệp Vạn Hoa), tại đây có nhiều sản phẩm từ nông nghiệp sạch được làm ra, chủ Nông trại cũng đã sử dụng công nghệ chế biến thành đa dạng các loại sản phẩm.
Theo anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc công ty CP nông nghiệp Vạn Hoa, nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, tốt cho sức khoẻ của người dân ngày một nâng cao, xu hướng nông sản sạch cũng được ưa chuộng, nên anh quyết định xây dựng nên trang trại sản xuất nông nghiệp sạch để kịp thời đưa ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất đến với người dân.
“Năm 2020, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương về xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn, tôi đã làm hồ sơ cho hai sản phẩm từ Nông trại là Dưa vàng và Dưa lưới và được đánh giá xếp hạng OCOP 4 sao. Ngoài ra, Nông trại còn có nhiều sản phẩm khác cũng có tiềm năng như: Dưa chuột, mướp đắng, bí đao, mật ong, hay Dưa vàng sấy dẻo, Dưa bao tử muối…Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục xây dựng đưa các sản phẩm này vào đánh giá xếp hạng OCOP”, anh Nam cho hay.
Về phía huyện Nga Sơn, sau khi các sản phẩm đã được xếp hạng OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, thường xuyên quan tâm đến công tác giám sát việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến bao bì, tem nhãn, tăng cường quảng bá tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ trong tỉnh, ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua phương tiện truyền thanh, truyền hình và các mạng xã hội khác như Faceabook, Zalo, nhóm chủ thể OCOP của Văn phòng Nông thôn mới của tỉnh. Đánh giá kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh trước và sau khi được công nhận sản phẩm OCOP để từ đó tuyên truyền cho nhân dân nắm được tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tham gia Chương trình OCOP.
Ông Trịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết. Thời gian tới huyện tiếp tục đưa những sản phẩm có thế mạnh vào xây dựng sản phẩm OCOP như: Nhóm thực phẩm chế biến; nhóm đồ uống có cồn; nhóm tiểu thủ công mỹ nghệ trang trí và thủ công mỹ nghệ gia dụng…
Để kích cầu các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, huyện Nga Sơn sẽ dành nguồn ngân sách để quan tâm, tạo điều kiện và ban hành cơ chế hỗ trợ khuyến khích cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp…. từ đó các chủ thể có điều kiện thực hiện ý tưởng tham gia chương trình OCOP được tốt hơn.
Lê Thường